Thúc đẩy sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và ngành Nông nghiệp

Thứ ba - 25/04/2023 02:12 565 0

Tại Việt Nam, Dự án Nâng cao chất lượng Giáo dục đại học (SAHEP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ để tăng cường mối liên kết giữa công tác nghiên cứu khoa học của các trường đại học và nhu cầu của thị trường.

Sinh viên của Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới trực thuộc Khoa Nông học thường xuyên kiểm tra đàn ong hàng ngày. Ảnh: Mai Nguyên Anh/The World Bank. 

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Nông nghiệp Việt Nam là hai trường đại học công lập lớn nhất cả nước tham gia dự án. Tại Học viện Nông nghiệp, thông qua công tác giảng dạy và nghiên cứu, các thầy cô và sinh viên luôn cố gắng tìm ra giải pháp cho những vấn đề cấp bách nhất của ngành nông nghiệp, được coi là ngành xương sống của nền kinh tế.

Trong những năm gần đây, một trong những ưu tiên hàng đầu của Học viện là nghiên cứu những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Một trong những sản phẩm đó là mật ong.

Nâng tầm vị thế của ngành ong

Trung bình hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 54.000 tấn mật ong. Tuy nhiên, mật ong Việt chủ yếu được sử dụng trong chế biến công nghiệp. Ngay tại thị trường trong nước, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm mật ong nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, chất lượng mật ong của Việt Nam cần được cải thiện. Một trong những lý do chính là một số nông dân thường thu hoạch mật ong quá sớm, không đúng phương pháp và sử dụng nhiều tạp chất, tập trung vào số lượng thay vì chất lượng. Ngành ong cũng cần phải nâng cao chất lượng để đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

PGS. TS. Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới trực thuộc Khoa Nông học của Học viện Nông nghiệp, luôn trăn trở về vấn đề phải làm sao để chất lượng mật ong của Việt Nam được thế giới tôn trọng.

 

 PGS. TS. Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới. Ảnh: Mai Nguyên Anh/The World Bank.

Trong thời gian qua, thầy Thái và các cộng sự đã thành công trong việc thử nghiệm phương pháp nuôi ong trong thùng kế nhằm tăng độ tinh khiết của mật ong. Phương pháp này giúp tăng chất lượng mật do mật ong không lẫn phấn hoa, xác ấu trùng và có hàm lượng nước thấp. Kỹ thuật này đã được trung tâm chuyển giao cho nông dân tại một số tỉnh như Sơn La và Nghệ An. Ước tính, việc nuôi ong trong thùng kế có thể giúp nông dân bán mật ong với giá gấp đôi.

Không chỉ có vậy, trung tâm của thầy Thái cũng đang thí điểm việc sử dụng công nghệ trong việc nuôi ong và giám sát chất lượng mật ong. Trung tâm đang làm việc với một số công ty tại Hà Nội và Đăk Lăk để triển khai áp dụng mô hình công nghệ mới này vào thực tiễn.

 

 Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới đã thành công trong việc thử nghiệm kỹ thuật nuôi ong trong thùng kế nâng cao chất lượng mật ong. Ảnh: Mai Nguyên Anh/The World Bank.

Hệ thống bao gồm các cảm biến có chức năng theo dõi nhiệt độ, độ ẩm hay sản lượng mật của đàn ong. Việc áp dụng công nghệ blockchain sẽ giúp thương lái và người tiêu dùng có thể tiếp cận được thông tin sản phẩm một cách rõ ràng và minh bạch hơn thông qua ứng dụng trên smartphone. Điều này cũng giúp người nông dân tham gia chuỗi cung ứng hay các công ty có thể đưa ra giá cao hơn khi quy trình nuôi cũng như chất lượng mật ong được chứng minh.

Trong thời gian tới, thông qua dự án SAHEP, thầy Thái và các sinh viên của Khoa Nông học sẽ được tiếp cận các thiết bị tốt hơn để phục vụ công tác giảng dạy, thí nghiệm và nghiên cứu về ong, qua đó có thể tiếp tục hỗ trợ ngành ong của Việt Nam phát triển bền vững và nắm bắt tốt hơn nhu cầu của thị trường.

“Khi nghiên cứu nhiệt độ, ẩm độ, nếu không có các trang thiết bị thì sẽ rất khó khăn trong việc đưa ra các kết luận chính xác đối tượng gây bệnh. Nhờ những thiết bị đó, sinh viên thuộc bộ môn côn trùng học có thể thấy được và làm được. Ví dụ, doanh nghiệp có thể yêu cầu phân tích chất lượng, truy cho tôi mật ong này có hàm lượng đường thế nào? Các em đã học rồi thì doanh nghiệp cũng sẽ tự tin hơn trong việc bắt tay với trường đại học,” thầy Thái cho biết.

Nhân rộng các lợi ích của vi tảo

Một lĩnh vực nghiên cứu khác có tiềm năng rất lớn đó là vi tảo, sinh vật tuy nhỏ bé nhưng lại có thể mang lại giá trị to lớn về mặt sức khoẻ.  

Vi tảo thường được sử dụng để sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi và phân bón sinh học. Một số chủng vi tảo có thể chứa tới 70% protein ngoài việc đóng vai trò là nguồn cung cấp acid béo omega-3. Vi tảo cũng có khả năng lưu giữ CO2 từ khí quyển, và như vậy có thể góp phần giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.

Tại Viện Nghiên cứu vi tảo và dược mỹ phẩm trực thuộc Khoa Công nghệ Sinh học, PGS. TS. Nguyễn Đức Bách và các cộng sự đã và đang lưu trữ các chủng vi tảo tốt nhất trong cả nước để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu nhân giống và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.

 

 Tại Khoa Công nghệ sinh học, PGS. TS. Nguyễn Đức Bách đóng vai trò quan trọng trong công tác nghiên cứu và ứng dụng vi tảo trong thực tiễn. Ảnh: Mai Nguyên Anh/The World Bank.
 Tảo là một trong những thức ăn không thể thiếu cho ấu trùng thuỷ sản ở giai đoạn đầu. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu mạnh về thuỷ sản, do đó nhiệm vụ nhân sinh khối tảo là vô cùng cần thiết. Trung tâm của PGS. TS. Bách hiện đang cung cấp giống vi tảo cho các cơ sở nhỏ lẻ trong cả nước.

Năm 2020, PSG. TS. Bách cũng làm chủ nhiệm một nghiên cứu do SAHEP tài trợ nhằm đưa ra các giải pháp giúp cho Việt Nam có thể mở rộng quy mô sản xuất tảo xoắn spirulina, một loại vi tảo có màu xanh lục chứa hàm lượng protein, vitamin và chất chống oxy hoá cao. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc sản xuất tảo xoắn không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, do đó người tiêu dùng thường phải mua các sản phẩm nhập khẩu.

 

 Sinh viên của Viện nghiên cứu vi tảo và dược mỹ phẩm kiểm tra sinh khối tảo được nhân giống trong bể raceway. Ảnh: Mai Nguyên Anh/The World Bank.
 Trong khuôn khổ một dự án thành phần của SAHEP, thầy Bách và các cộng sự cũng thực hiện đề tài nghiên cứu công nghệ tổng hợp sản phẩm giàu chất chống oxy hoá từ ba loài vi tảo. Kết quả nghiên cứu đã bào chế được viên nang cứng có khả năng chống oxy hoá giúp làm chậm quá trình lão hoá của mắt và cải thiện thị lực. Qua đó, Học viện Nông nghiệp đã thành lập một công ty spin-off để thương mại hoá sản phẩm đã được chứng nhận bởi Bộ Y tế.

“Bước đầu sản phẩm nghiên cứu đã tạo ra nguồn thu, có thể trước mắt là rất nhỏ thôi nhưng là nguồn động viên để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu phát triển, là cơ sở góp phần vào công tác tự chủ của Học viện", thầy Bách cho biết.

Năm 2015, Học viện Nông nghiệp là một trong những trường đại học được Chính phủ trao quyền tự chủ trong diện thí điểm. Điều này có nghĩa là trường có quyền tự quyết về tài chính, nhân sự cũng như chương trình giảng dạy phù hợp hơn với nhu cầu thực tế. Tuy nhiệm vụ này còn nhiều thách thức, dự án SAHEP đã tạo ra đòn bẩy cần thiết trong việc nâng cao năng lực tự chủ một cách toàn diện hơn của Học viện.

Đối với PGS. TS. Thái, tự chủ cũng khuyến khích sinh viên và giảng viên trở nên sáng tạo hơn. Theo thầy Thái, “Tự chủ đại học là xu thế của thời đại cũng như thế giới. Nhờ đó, dòng tiền đổ vào giáo dục sẽ cao hơn và trí tuệ của giáo dục cũng sẽ đáp ứng được sản xuất hơn".

Quỳnh Anh

(Theo World Bank)

https://nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

User Contacts
ảnh2
anh 3
anh4
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây